Một lần mình đọc thấy chú Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện ngày xưa chú làm việc với báo Mực Tím, môt lần biên tập báo đề nghị chú viết mục Bắt giò truyện ngắn. Mỗi tuần, báo đăng một truyện ngắn chú viết, trong đó có một chi tiết không hợp lý. Bạn đọc nào phát hiện được chi tiết này và gửi thư đến báo (dĩ nhiên phải kèm dự đoán số người tham dự) thì sẽ được quà. Chú kể độc giả hưởng ứng chuyên mục này lắm, còn chú thì cực kỳ hãi hùng. Vì mỗi tuần bạn đọc chờ nhận quà. Còn chú mỗi tuần lại ngồi khổ sở vắt chân lên trán nghĩ: viết gì bây giờ, viết gì bây giờ. Rồi nhiều khi nghĩ không ra cái gì để viết, chú tức mình chửi cái thằng cha biên tập mắc dịch nảy ra cái chuyên mục này chi cho mình khổ dữ vậy.
Mới nghe thằng em kể rằng bộ truyện mình từng say mê hồi bé, Dũng sĩ Hesman, là bộ tranh truyện phóng tác của Việt Nam. Họa sĩ Hùng Lân, người sáng tác đến 159 tập truyện tranh này, kể rằng một tuần nhà xuất bản yêu cầu ông vẽ một tập. Mỗi tuần một cuốn truyện tranh 72 trang, họa sĩ Hùng Lân phải một mình tự làm tất cả các khâu từ viết kịch bản, phân cảnh, vẽ khung, vẽ tranh, vẽ bìa, tất cả một mình thực hiện từ A đến Z, miệt mài như thế suốt năm năm. Nghĩ việc ngồi vẽ ròng rã 72 trang truyện tranh mỗi tuần trong vòng mấy năm trời, thật là một việc kinh khủng. Nhưng công sức của chú đã mang lại bao nhiêu niềm vui cho tụi trẻ con thời ấy. Dũng sĩ Hesman là một phần tuổi thơ của mình. Và mình chắc rằng không ít người bạn mình cũng đã từng có một chỗ dành riêng cho Hesman trong kệ sách của họ.
Tác giả bộ truyện tranh One Piece nổi tiếng của Nhật Bản, Oda Eiichiro, cũng có lần chia sẻ về quá trình vẽ truyện tranh của ông. Đều đặn như đếm mỗi tuần một tập. Ba ngày đầu suy nghĩ ý tưởng, ba ngày để vẽ, và một ngày để sửa chữa. Cũng chính vì sự đều đặn kiên trì ấy đã đưa tên tuổi Oda Eiichiro thành một trong những họa sĩ truyện tranh tiêu biểu của Nhật Bản.
Bây giờ mới nói tới chuyện liên quan tới đề bài. Cha đẻ của Sherlock Holmes, Arthur Conan Doyle vốn là một bác sĩ. Phòng mạch của ông rất vắng khách, nên ông bắt đầu viết truyện trong lúc chờ bệnh nhân. Và nhân vật huyền thoại Sherlock Holmes với hơn 60 kỳ án ra đời. Khi Sherlock Holmes đã có hàng triệu người hâm mộ, Conan Doyle lại trở nên mệt mỏi. Ông viết thư cho mẹ: "Con nghĩ đến việc giết Holmes, giải quyết hắn ta vĩnh viễn. Hắn làm đầu óc con không thể suy nghĩ được". Bà mẹ trả lời: "You won't! You can't! You mustn't!". Nhưng ông vẫn quyết định để cả Holmes và Moriarty rơi xuống thác nước. Giống như phản ứng của người mẹ, công chúng phản đối dữ dội trước cái chết của Sherlock Holmes. Trước áp lực của người đọc, Conan Doyle phải cứu Holmes trở lại từ thác nước.
Bạn sẽ tự hỏi ba cái chuyện lẻ tẻ này có ý nghĩa gì ở đây. À, lý do là vì mình tình cờ đọc những câu chuyện này trong lúc đang tiến hành một dự án viết lách dài hơi. Áp lực viết cho kịp tiến độ kể cả mười hai giờ đêm hay ba giờ sáng khiến đầu óc mình đôi khi kêu gào phản đối và chỉ muốn lăn ra ăn vạ. Rồi từ những câu chuyện này mình thấy mỗi nghệ sĩ đều phải chịu những áp lực làm việc kinh khủng hàng tuần. Cũng giống như tác giả Doreamon, để cho ra những tác phẩm dài kỳ, mỗi tuần làm việc miệt mài là một chuyện bắt buộc. Nghĩ lại mình, mỗi tuần viết 10,000 chữ, cũng không phải là cái gì quá lớn.
Rồi mình nhận ra rằng hầu như những người làm được những điều để đời hay vĩ đại trong cuộc sống này đều là những người có khả năng kiên trì hơn người. Rõ ràng trong lúc làm việc, đều có những lúc họ cảm thấy mệt mỏi. Rõ ràng có những lúc áp lực thời gian khiến công việc dường như là không thể hoàn thành được. Đến nỗi họ phải ăn ngủ của tác phẩm, hoặc đến nỗi muốn "bức tử" nhân vật của mình.
Nhưng giống như cái câu khắc trên ghế đá mà má mình bày ở sân vườn quê nhà: "Cây kiên nhẫn đắng chát nhưng quả nó rất ngọt". Nếu không có những giờ ngồi kiên trì bền bỉ từ ngày này qua ngày khác trong suốt nhiều năm liền như thế của những con người như thế, chúng ta đã không có Hesman, One Piece, Sherlock Holmes, Tarzan, Doreamon. Chúng ta đã có thể không có đèn điện, định luật bảo toàn năng lượng và nhiều thành tựu khác. Nếu không có những giờ kiên tâm hy sinh thầm lặng hay nhẫn nại làm việc của con người, nhân loại sẽ tổn thất biết bao.
Bữa một anh bạn mình gửi cho mình câu danh ngôn: "Những người đứng đầu trên thế giới đều là những người bình thường với ý chí phi thường". Nên việc ta làm gì không quan trọng. Quan trọng là ta có làm cho đến chừng nào cho ra được kết quả mong muốn hay không. Người ta thường nhấn mạnh tới việc sống phải có ước mơ hoài bão, nhưng theo mình cái khó là kiên trì bền bỉ từng ngày vươn tới nó.
Thôi thì quay trở lại viết tiếp, tận nhân lực tri thiên mệnh chứ biết làm thế nào.
Aim for the moon, dreamers.
(From Rosie Nguyen)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét