Đã bao lần tôi bắt đầu viết về anh. Viết rồi lại xóa vì cảm giác không thể diễn đạt được những cảm xúc của mình. Nhưng rồi lại viết như một lời tự nhắc nhở mình không bao giờ được quên những ngày tháng ở Mumbai ấy, nhắc nhở mình phải sống tốt hơn, nhắc nhở mình về cả những mơ hồ mà tôi chưa rõ, về con đường mà tôi tìm kiếm.
Tôi gặp S từ CS (một trang web dành cho những du khách muốn được trải nghiệm văn hóa và cuộc sống với người dân bản địa). Chuyến đi Mumbai hôm ấy đã được tôi lên kế hoạch từ sớm nhưng đến phút cuối lại trục trặc khiến tôi không có tâm trí để tìm kiếm thông tin mà xác định cứ đi là đi thôi. Đến phút chót tôi mới đăng tin tìm người cho ở nhờ và hỏi thông tin trên group. Nhận được khá nhiều đề nghị nhưng chưa ưng ý một ai. Tôi quan niệm host không chỉ là nơi ngủ nhờ mà còn là một người bạn sẽ giúp mình tìm hiểu thêm về văn hóa và con người nơi ấy. Vì thế, tôi thường lựa chọn khá kĩ. Đến ngày cuối, vẫn chưa quyết định được tôi quyết định trao đổi với một người bạn và nhanh chóng đặt phòng một khách sạn nhỏ ở khu dành cho khách du lịch.
“Chào cô, tôi và bạn gái vừa trở về sau một chuyến du lịch. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của rất nhiều Cser. Tôi muốn đền đáp lại một phần sự hiếu khách ấy. Vì vậy nếu cô cần sự giúp đỡ gì, cứ liên lạc với tôi nhé. Tôi ở trong một căn chung cư, nếu cô cần tôi sẽ chuyển lên ở cùng bạn. Chúc cô có một chuyến đi vui vẻ.” Email của S đến bất ngờ khi tôi đã hoàn toàn chán nản với việc trả lời những đề nghị vô vị và quyết định lên đường dù vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu.
Ngay từ những dòng giới thiệu đầu tiên đến những lần nhắn tin sau đó, thật khó giải thích nhưng anh đã khiến tôi có cảm giác thật tin tưởng. Tôi trao đổi với anh về kế hoạch của mình. Và khi biết tôi sẽ đến Mumbai vào lúc nửa đêm, anh đề nghị ra đón. Không muốn làm phiền anh, tôi từ chối và hứa sẽ đến thăm anh vào những ngày sau đó.
12 giờ đêm, sân bay quốc tế Mumbai. Đây không phải lần đầu tiên tôi đáp sân bay một mình. Nhưng bất chợt, cảm giác lạc lõng tủi thân giữa một sân bay xa lạ và những đoàn người đưa đón. Tôi, một con bé VN giữa một sân bay xa lạ, một mình, không biết đi đâu về đâu.Và ngoài kia, bóng tối.
Chuông điện thoại reng. Là Shan. “Chào cô, chuyến bay của cô thế nào? Cô khỏe chứ?” Một cảm giác ấm áp len lỏi khiến tôi không còn thấy sợ nữa. Chúng tôi trò chuyện như những người bạn xa lâu ngày không gặp. Anh đề nghị ra đón tôi ở sân bay. “Cô đừng lo, sân bay chỉ cách nhà tôi có 20 phút.” Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ đồng ý ngay trước khi anh hỏi nhưng lúc đó tôi đã từ chối. Tôi quyết định ngủ lại tại sân bay.
Những ngày sau đó, tôi loanh quanh khu vực khách sạn. S như một người anh trai luôn ân cần hỏi han tôi và giúp đỡ tôi khi cần. Với anh, tôi có thể chia sẻ mọi chuyện. Tôi kể với anh cảm giác khi lần đầu tiên tôi rời "vùng an toàn" để đến một Mumbai khác, một Mumbai không có những con đường rợp bóng cây xanh, không có những tòa nhà cổ kính lộng lẫy (mà tôi từng thốt lên trầm trồ "Nếu bệnh viện mà đẹp đến nhường này chắc tôi muốn vào viện suốt quá!" khiến anh bạn CS đi cùng phải bật cười). Một Mumbai giúp tôi nhận ra sự chênh lệch giàu nghèo ở Ấn lớn đến nhường nào. Một Mumbai chỉ có nắng và bụi, người và người. Và tôi, ngồi bên vệ đường tái nhợt. Chỉ kịp bắt một chiếc taxi nhanh chóng về khách sạn.
- Cô quá mỏng manh, cô gái ạ.
- Tôi biết, sau chuyến đi này tôi sẽ rèn luyện để sức khỏe tốt hơn.
- Tôi không nói về thể chất, tôi muốn nói về tinh thần. Cô cần thử thách bản thân mình hơn nữa để có thể đi được xa hơn!
Lời hứa qua thăm anh tôi cứ lần lữa mãi. Phần vì muốn đợi bạn, phần vì ngại di chuyển. Cứ nghĩ đến chặng đường hơn một tiếng trên taxi là tôi lại tự nhủ “Để ngày mai.”
Vậy là S đến thăm tôi trước khi tôi đến thăm anh. “Chào cô, tôi vừa viết giấy hẹn gửi lễ tân khách sạn sẽ gặp cô ở bến tàu”.
Vừa chìa tay ra bắt tay anh tôi vừa quan sát chàng trai trước mặt mình. Mái tóc xoăn xù trông giống mấy chàng cầu thủ châu Phi, dép lê, áo phông và quần jeans. Và chàng trai ấy đã đi hơn 2 giờ trên một chuyến tàu chợ, chuyến tàu mà sau này anh kể mỗi ngày lại có người chết do bị đám đông xô đẩy, để đến gặp tôi, một con bé xa lạ.
Vốn không phải là con bé cởi mở, dễ trò chuyện, tôi ngạc nhiên khi thấy mình có thể cởi mở dễ dàng trò chuyện với S. Chính xác hơn là anh nói nhiều và hỏi nhiều, còn tôi cố gắng tập trung nghe, thỉnh thoảng thêm vài lời bình luận. Tôi bước lên chiếc taxi không một chút sợ hãi. Lên xe, S sôi nổi trò chuyện với bác lái xe như một người quen thân, trước khi xuống còn tặng cho bác mấy đồng Ringgit mà anh sưu tầm được. Đáp lại ánh mắt ngạc nhiên của tôi anh nói: "Cô biết không, người đàn ông lái taxi này cả cuộc đời phục vụ mọi người nhưng không mấy ai nói chuyện với ông ấy. Vì vậy tôi muốn làm cho ông ấy vui. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng mang niềm vui đến cho người khác, những thứ mà chúng ta không thể mua được bằng tiền."
Quãng đường trôi qua thật nhanh chẳng mấy chốc đã tới bến. Quãng đường dài trên tàu khiến tôi cảm thấy mệt và choáng váng. Huyết áp có dấu hiệu tụt xuống, tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao. Rất tự nhiên, S đứng dậy chụp hình nhường chiếc ghế của anh cho tôi ngả lưng. Những cử chỉ quan tâm của anh đến giờ vẫn làm tôi xúc động. Khi xuống bến tàu, anh chìa tay ra đỡ tôi khỏi ngã rồi thu tay lại rất nhanh. (“Anh chàng này không phải kẻ lợi dụng” – Tôi thầm nghĩ). Trong suốt quãng đường, chúng tôi trò chuyện đủ mọi chuyện trên trời, dưới bể. Gia đình, sự nghiệp, chính trị và dĩ nhiên là cả chuyện tình cảm. S kể cho tôi về những mối tình của mình. Về những cô gái mười tám đôi mươi sẵn sàng lấy anh ở quê nhà – “Các cô ấy không yêu tôi, họ chỉ yêu cái địa vị của gia đình tôi mà thôi”. Về cô người yêu cũ đang chờ anh ở Assam. “Sao anh và cô ấy chia tay?”- “Tôi sẽ trở thành một đạo diễn nổi tiếng. Người vợ của tôi sẽ phải là người đồng hành với tôi trên chặng đường gian nan đó. Tôi không muốn lãng phí tuổi trẻ của cô ấy.” Về cô gái có đôi mắt xanh thẳm như màu nước đại dương. “Anh nhớ cô ấy chứ?” – “Cô biết không, khi cô ấy ở bên không gian cũng trở nên ấm áp, tràn đầy hạnh phúc”.
Chuyến tàu đưa chúng tôi trở lại Mumbai. Chúng tôi quyết định dạo quanh Mumbai. Và dĩ nhiên là đi bộ. Đó là lần đầu tiên tôi đi bộ một chặng đường dài đến thế qua những con phố ngoằn ngoèo, những bức tường rêu phong, những con đường rợp bóng cây cổ thụ…. Chúng tôi dừng chân lại một ngôi nhà thờ cổ. S kể cho tôi nghe về ước mơ của anh. Điều gì đã khiến anh từ bỏ một cuộc sống dễ chịu nơi quê nhà, từ bỏ một công việc ổn định để đến Mumbai – thành phố theo S gọi, thành phố của những giấc mơ, nơi con người đến để tìm kiếm những giấc mơ của cuộc đời mình.
Anh kể cho tôi nghe về kỉ niệm lần đầu được quay phim cho Shahrukh Khan. “Cô biết không, khi mới nghe tới tên ông ấy, tôi đã đồng ý ngay dù chưa biết công xá bao nhiêu. Bước chân vào nhà K tôi cảm thấy như mình bước lên thiên đường vậy. Tôi đã tự nhủ sau này mình sẽ nổi tiếng như ông ấy.” “Tôi muốn làm một bộ phim về Goa, quê hương tôi. Người ta biết đến nơi đây như một bài biển đẹp, một khu nghỉ dưỡng nhưng tôi muốn mọi người biết đến một Goa khác, khác hoàn toàn…”
Chúng tôi kết thúc hành trình của mình bên vịnh Marine để đón hoàng hôn. “Anh chưa ăn gì từ sáng tới giờ sao, tôi có lỗi quá, để tôi mời anh ăn chút gì nhé.” “Cô đừng lo, với nghề của chúng tôi, có khi cả ngày chỉ có gói mì là chuyện thường. Cô biết đấy, một bộ phim có thể kéo dài nhiều tháng trời và không phải lúc nào người ta cũng chi trả đúng hạn.” Dường như không muốn tôi phải áy náy, cuối cùng S dẫn tôi tới một quán cơm địa phương. Bữa cơm chỉ có trứng luộc và một chút muối nhưng đó là bữa tối ngon nhất mà tôi từng ăn ở Mumbai sau những ngày vật vã với mảnh đất của cà ry mà đến cả món trứng rán cũng cay nồng vị hành và tiêu.
Đó là lần thứ hai tôi bỏ lỡ hoàng hôn trên vịnh Marine. Nhưng tôi không bận tâm. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến S từ bỏ cuộc sống dễ chịu nơi quê nhà, từ bỏ ngôi nhà tiện nghi, từ bỏ công việc dễ chịu, từ bỏ những điều mà bao người mơ ước để đến Mumbai. Những câu hỏi cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi cho đến khi tôi gặp lại S, tại nhà anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét